Đạo và Đời
Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
Bồ Tát Quán Thế Âm
Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát
Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát
Theo Kinh Bi Hoa:
- Vào thời quá khứ, có Đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai, thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương xuất gia có Pháp Tạng Tỷ Khiêu và phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho vua : “Sau này Ngài sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà ở thế giới Cực Lạc”.
- Vua Chuyển Luân có con cả là thái tử Bất Tuẫn cũng xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bản nguyện đại bi thương xót cứu độ tất cả các chúng sinh khổ não. Đức Phật Bảo Tạng Như Lai thụ ký rằng: “Vì lòng đại bi, ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sinh được cùng về cõi Cực Lạc, vậy từ nay danh hiệu của ông là Quán Thế Âm”.
Theo Kinh A Di Đà, Diệu pháp liên hoa- phẩm 25 với tên Phổ môn, bản kinh Lăng Nghiêm: có hai Bồ tát tối tôn bậc nhất, oai thần quang minh chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới chúng ta. Quán Thế Âm Bồ tát và Đại Thế Chí Bồ hầu cận hai bên đức A Di Đà, trợ giúp giáo hóa độ sinh cho Đức Phật A Di Đà. Hai Ngài cùng ứng thân xuống Sa Bà trụ giáo cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bồ Tát Quán Thế Âm:
- Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán Thế Âm quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ.
- Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh, trên đỉnh đầu có hình Đức Phật A Di Đà. Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm như: Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Lộ Thiên, Quan Âm Thị Kính, …
- Không những Ngài cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh trong lúc sống mà còn tiếp độ cho chúng sinh sau khi mất. Nếu chúng sinh nào có nguyện cầu Tịnh Độ mà niệm đến danh hiệu Ngài thì mệnh chung Ngài sẽ tiếp dẫn về Tây Phương Cực lạc. Trong Kinh nói: Đức Phật A Di Đà cùng với các Thánh chúng là Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí v.v... hiện thân tiếp dẫn những người tu Tịnh độ lúc lâm chung về Cực Lạc là thế.
- Đức Quán Âm đã chứng Diệu giác. Tuy ở quả vị mà không xả nhân hạnh. Đã thành Phật mà vẫn làm việc Bồ- tát, hiện thân nhiều như mây ở khắp pháp giới để độ chúng sanh.
Quán Thế Âm Bồ tát là nam hay nữ?
- Theo phẩm Phổ Môn, khi muốn cứu vớt hoặc giác ngộ, Quan Âm có thể hóa thành 32 sắc tướng như Phật, Bồ Tát, thiện nam, tín nữ, tùy theo đối tượng để cứu giúp chúng sinh.
- Ở khu vực Đông Nam Á, ngài thường có hình dáng nữ, có gương mặt rất đẹp, hết mực hiền từ, dịu dàng, một tay cầm bình cam lộ, tay kia cầm cành dương liễu để vẩy nước trong bình cứu khổ chúng sinh, vì Quán Thế Âm Bồ tát hiện cho lòng từ bi vô lượng cứu khổ cứu nạn. Với người Việt Nam từ xưa, người cha thường gắn với hình tượng nghiêm trang, nghiêm khắc, còn người mẹ dịu dàng, khi dạy con thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, yêu con hết mực.
Trong chùa, đức Phật A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Trí Bồ Tát. Lễ Quan Thế Âm Bồ tát thường được tổ chức vào các ngày sau:
- 19 tháng 2: Lễ giáng sinh
- 19 tháng 6: Lễ thành đạo
- 19 tháng 9: Lễ xuất gia