Đạo và Đời
Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
Bồ Tát Đại trí Văn Thù Sư Lợi
Bồ Tát Văn Thù là một trong hai vị Đại Bồ Tát thị giả và đứng bên trái Đức Phật Thích Ca, đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… nhiều lần thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc là giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.
Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tông-khách-ba thường được xem là hiện thân của Văn-thù. Cũng xuất hiện dưới dạng một Thần thể phẫn nộ, có tên gọi là Diêm-mạn-đức-ca –"Người chiến thắng tử thần"
Huyền thoại về Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là một câu chuyện kinh điển, mô tả sứ mạng của Ngài trong việc chinh phục Yama – thần của cái chết. Khi Yama bộc lộ sự tức giận của mình và đe dọa tiêu diệt toàn bộ dân Tây Tạng, người dân tìm đến sự bảo vệ của Văn Thù Bồ Tát.
Theo truyền thuyết, Văn Thù Bồ Tát đã xuống địa ngục để đối mặt với Yama. Ở đó, Ngài đã biến hình thành Yamantaka, một dạng biến thể của Yama với tám đầu và nhiều chân. Mỗi phần của Ngài đại diện cho một khía cạnh của sức mạnh và giác ngộ cần thiết để đối đầu với cái chết. Thông qua sự biến hóa này, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã làm cho Yama kinh hãi và cuối cùng bị đánh bại.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là vị Bồ Tát tiêu biểu cho Trí Tuệ có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện. Ngài ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Trên tay phải của Ngài, dương cao lên khỏi đầu là một lưỡi gươm đang bốc lửa -một biểu tượng đặc thù của Bồ Tát Văn Thù để phân biệt với các vị Bồ Tát khác- mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ này sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận, đưa con người đến trí tuệ viên mãn. Trong khi đó, tay trái của Bồ Tát đang cầm giữ cuốn kinh Bát Nhã- trong tư thế như đang ôm ấp vào giữa trái tim mình suối nguồn và biểu trưng của tỉnh thức, giác ngộ.
Đức Văn Thù Sư Lợi, khi chưa thành đạo thì Ngài là con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm, tên là Vương Chúng Thái Tử. Nhờ phụ vương khuyên bảo, nên Ngài phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và Tăng chúng trọn ba tháng và hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà cầu đặng thành Phật và phát 24 đại nguyện trước Phật Bảo Tạng.
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe xong và thọ ký cho Vương Chúng Thái Tử: “Hay thay! Hay thay! Ngươi là người Đại Trượng phu, trí huệ sáng suốt, tỏ biết mọi lẻ, phát nguyện rất lớn và rất khó khăn, làm những việc công đức rất rộng sâu, không thể nghĩ bàn đặng. Chính ngươi là bậc trí huệ nhiệm mầu, mới làm đặng mọi sự như vậy.
Bởi ngươi vì hết thảy chúng sanh mà phát thệ nguyện rất nặng lớn và cầu đặng cõi Phật rất trang nghiêm như thế, nên ta đặt hiệu là Văn Thù Sư Lợi. Trải vô lượng hằng sa số kiếp về sau và sẽ thành Phật hiệu là Phổ Văn Thù ở thế giới rất đẹp đẽ, tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chi, thuộc về bên phương Nam.
Ngày vía Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát được xác định là ngày 04/04 Âm lịch hàng năm