Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam

Đạo và Đời

Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hiện vẫn chưa định được chính xác thời điểm Đạo Phật bắt đầu truyền vào Việt Nam. Một nghiên cứu cho rằng đạo Phật vào Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 2 TCN, đánh dấu bằng truyện "Nhất Dạ Trạch" trong tập Lĩnh Nam Chích Quái (viết vào thời Trần và hiệu chỉnh thời Lê) kể lại việc Chử Đồng Tử (một trong Tứ Bất Tử, sống vào thời Hùng Vương) được truyền phép và học Đạo Phật với một nhà sư từ Ấn Độ, tên là Ngưỡng Quang (Phật Quang)

Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành "Bụt" và "Bụt Đà", từ đó chữ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Bụt được dân gian hóa cứu giúp người tốt. Sau này, vào thế kỷ thứ IV - V, do ảnh hưởng của Phật giáo từ Trung Hoa mà từ "Bụt" bị thay thế dần bởi từ "Phật".

Vào thế kỉ thứ III, Khương Tăng Hội là một Thiền Sư sinh tại Giao Châu và được xem là thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Đến thời nhà Đinh - Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần: Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đã có nhiều vị cao tăng được triều đình trọng dụng như thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Minh Không, Pháp Loa, v.v. ra giúp tham chính và cố vấn, giúp chèo lái con thuyền đất nước trong những lúc khó khăn. Đinh Tiên Hoàng đế lập ra chức tăng thống và Tăng lục để đại diện cho Phật giáo với chính quyền.

Thời vua Trần Thánh Tông là giai kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam với sự chuẩn bị ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với những vị tổ sáng chói, mà hơn hết là Phật hoàng Trần Nhân Tông, tổ thứ 2 là ngài Pháp Loa, tổ thứ 3 là ngài Huyền Quang... Đức vua Trần Nhân Tông xuất gia năm 1299, vào tu ở núi Yên Tử và lấy pháp hiệu là Trúc Lâm cư sĩ, tự xưng là Hương Vân đại đầu đà

Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái.

Đến cuối thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả.

Vào cuối thời chống Pháp dưới chính thể Quốc gia Việt Nam năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời và thành công trong việc liên kết các tự viện Đại thừa khắp ba miền Nam, Trung, Bắc.

Năm 1958 tại miền bắc thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Lao động Việt Nam cho phép thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam

Năm 1964: Hiến chương của nhà nước đặt nền móng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức quy tụ nhiều giáo phái ở phía nam vĩ tuyến 17 thành một lực lượng tôn giáo đáng kể.

Năm 1981: được Nhà Nước cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo duy nhất là đại diện cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội được thành lập vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất tất cả tổ chức Phật giáo trong nước.
 
Back
Bên trên Bottom