Đạo và Đời
Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
Tóm Tắt Tiểu Sử
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Một vị Phật ra đời là một nhân duyên lớn rất hiếm có, là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Ðức Phật là bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn cùng tột, vì thông cảm nổi khổ triền-miên vô bờ bến của chúng sanh mê lầm nên ngài dùng phương tiện thị hiện đản sanh để chỉ dạy và dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến niết-bàn an-lạc thanh-tịnh.
Theo kinh Trường-A-Hàm, mục Sơ-Ðại-Bản-Duyên kể lại, thì ở cõi Ta-Bà này đã có 6 vị Phật ra đời trước đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni. Thuộc kiếp Trang-Nghiêm có các vị Phật Tỳ-Bà-Thi, Thi-Khí và Tỳ-Xá-Phù. Thuộc kiếp Hiền có các vị Phật Câu-Lưu-Tôn, Câu-Na-Hàm và Ca-Diếp, rồi mới đến Thích-Ca-Mâu-Ni.
1. Tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Hai kiếp trước của Đức Phật Thích Ca là Bồ-tát Sumedha (Thiện-Huệ) tái sanh làm thái tử Vessantara, chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Ca-Diếp và trở thành Bồ-tát Hộ Minh, nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung được sanh về cõi trời Ðâu-Suất làm Bồ-tát bổ-xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Ðâu-Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng để giáo-hóa chúng sinh.
Một hôm ngài nhìn xuống thế-gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà-kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể-xác lẫn tinh-thần, chết bị đọa trong ba đường ác. Ngài phát tâm từ-bi, nguyện giáng thế để giáo-hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân-lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết-bàn, an lạc thanh tịnh. Ngay lúc đó toàn thân ngài phóng đại-quang-minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ. Ngài liền quan sát Trái Đất và thấy năm việc dưới đây:
- Quan sát thời kỳ: ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm, rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.
- Quan sát lục địa: ngài chọn Jambudipa (bán đảo Ấn-độ) vì lúc bấy giờ ngôn ngử và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết..
- Quan sát quốc độ: ngài chọn Majjhimadesa (Vùng Trung Ấn, thung lũng sông Hằng); vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.
- Quan sát chủng tộc: ngài chọn dòng dõi Sakya (Thích Ca) với vua Suddhodana (Tịnh Phạn) là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.
- Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai: ngài chọn hoàng hậu Maha-Maya; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Maha-Maya có 32 đức tính cần thiết.
Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ-tát Hộ-Minh bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Di-Lặc làm Bồ-tát bổ xứ, rồi từ cung trời Ðâu-Suất giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Kapilavastu, xứ Sakya, gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông-bắc nước Ấn-độ là Nepal ngày nay, làm con trai của vua Tịnh-Phạn, và hoàng-hậu Maha-Maya. Hoàng-tộc xứ này đều thuộc dòng-dõi Thích-Ca.
Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng-hậu Maha-Maya là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Ðã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.
2. Đức Phật đản sinh
Năm 624 trước tây lịch, tại khu lâm-viên xinh đẹp (Lâm-tỳ-ni, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal), thái-tử Tất Đạt Đa, thuộc dòng-dõi bộ tộc Thích Ca, con vua Tịnh Phạn, 42 tuổi, và hoàng-hậu Maha-Maya, 44 tuổi, sanh vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch hiện nay.
Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh, vào đêm trăng tròn tháng 6 âm, tại thành (Ca-tỳ-la-vệ), hoàng-hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm. Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe.
Nhà vua cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng-hậu đã mang thai và thái-tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng-lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh, trí huệ sáng suốt.
Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng-hậu Maha-Maya đi từ thành Kapilavastu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Suppabuddha và hoàng hậu Amita ở thành Devadaha còn gọi là Ramagama thuộc xứ Koliya (Câu-lợi, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal). Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Hoàng-hậu đến một hồ nước tắm rửa, thay đổi y-phục, rồi đi ngắm cảnh đẹp xung quanh hồ. Thấy đóa hoa Vô-ưu vô cùng xinh đẹp trên cây, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi thái tử xuất hiện ra đời, thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẽ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón thái-tử. Khi mới sanh ra Thái Tử Siddhattha cũng được tắm rửa lần đầu tiên tại hồ nước nói trên.
Hồ nước Puskarini này hiện nay được xây lại theo hình vuông mỗi cạnh 20m, nổi tiếng là linh-thiêng, có khả năng trị bệnh cho người xuống tắm. Bên cạnh hồ hiện còn một cây bồ-đề to lớn, cành lá sum-sê, đã có từ hồi đức Phật còn tại thế. Bên cạnh hồ hiện nay có ngôi đền thờ nữ thần Maha-Maya, trong đó có chỉ vị trí chính xác nơi đức Phật đản sanh, và có hai bức tranh nổi điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng đá và một bức bằng cẩm-thạch . Ðến năm 244 trước tây lịch, vua Asoka (A Dục) có đến đây chiêm-bái theo sự hướng dẫn của đạo sư Moggaliputta-Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu). Vua Asoka có cho dựng gần hồ một trụ đá kỷ niệm. Trên trụ đá có khắc năm hàng gồm 93 chữ bằng tiếng Brahmi có nghĩa như sau:
(Vua Piyadasina, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Ðây là nơi đức Phật Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni ) đản sanh. Vua hạ lệnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi nầy và một trụ đá bên trong để đánh dấu chỗ đức Thế Tôn đản sanh.
Qua ngày hôm sau, tiên ông Asita Kaladevala (A-tư-đà) do thấy điềm lạ trên trời, biết có thánh nhân vừa giáng sinh. Từ sườn núi Himalaya đến xin phép vua được xem tướng cho thái-tử. Vua Suddhodana rất vui-vẻ cho bồng thái-tử ra đảnh lễ tiên ông. Nhưng, trước sự kinh-ngạc của mọi người, thái-tử bỗng nhiên quay về phía tiên ông và đặt hai chân lên đầu tóc của ông. Ðang ngồi trên ghế, tiên ông Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào thái-tử và tiên đoán thái-tử sẽ trở thành bậc vĩ-nhân cao quí nhất của nhân loại. Nhà vua cũng làm theo, xá chào thái-tử. Trong khi xem tướng cho thái-tử, tiên ông Asita tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng khi xem xong thì ông oà lên khóc nức-nở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi điềm lành dữ thế nào, tại sao ông hết vui mừng lại khóc. Tiên ông Asita sục sùi đáp: Tâu Ðại Vương, thái-tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, sau nầy sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ; nhưng chắc ngài sẽ xuất gia tu hành thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, là bậc thầy lỗi lạc của khắp các cõi trời và cõi người, giảng dạy pháp mầu để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Rất tiếc nay tôi đã quá già rồi, không còn sống đến lúc đó để được nghe lời ngài chỉ dạy, nên tôi tủi thân tôi khóc.
Lễ quán đảnh được tổ chức vào ngày thứ năm sau khi thái-tử ra đời. Vua Suddhodana triệu-tập sáu vị hiền-triết Bà-la-môn để chọn tên và tiên đoán tương-lai cho con. Tên được chọn là Siddhattha, có nghĩa là người thành-đạt nguyện-vọng. Sau khi bàn thảo về tương-lai của thái-tử, năm vị đưa lên hai ngón tay, tuyên bố:
- Muôn tâu Ðại Vương, thái-tử sẽ trở thành bậc Chuyển-Luân-Thánh-Vương, vị hoàng-đế vĩ-đại nhất thế-gian nếu ngài muốn trị-vì thiên-hạ. Nếu xuất gia tu hành, ngài sẽ thành bậc Chánh-Ðẳng-Chánh-Giác cứu nhân-loại ra khỏi cảnh tối-tăm đau-khổ .
Nhưng vị trẻ tuổi nhất tên Kondanna (Kiều-Trần-Như) chỉ đưa lên một ngón tay và nói:
- Tâu Ðại Vương, sau nầy, sau khi nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một tu sĩ, thái-tử sẽ xuất gia đi tìm chân-lý và sẽ trở thành một vị Phật, Vô-Thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Sau khi sanh thái-tử được bảy ngày thì hoàng-hậu Maya từ trần, vãng sanh về cung trời Ðao-lợi (Bồ-tát bổ-xứ là kiếp trước của Phật Thích Ca đã quán nhân duyên). Thái-tử được giao cho người dì ruột cũng là thứ-hậu trong triều là bà Pajapati Gotami (Ba-Xà-Ba-Ðề Kiều-Ðàm-Di), chăm sóc. Do các lời tiên đoán của các nhà tiên tri nên vua Suddhodana tìm đủ mọi cách cho thái-tử Siddhattha hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ nhìn thấy các cảnh khổ đau, bệnh hoạn, già chết ở đời. Khi thái tử được sáu tuổi, vua Suddhodana cho mời các vị thầy nổi tiếng vào triều dạy học, mong đào tạo thái-tử thành một vị vua tương lai có đầy-đủ khả-năng và đức-hạnh để kế nghiệp ngài.
Thái Tử được dạy dỗ giáo dục toàn vẹn cả về văn lẫn võ. Thái tử tư chất thông minh, tinh thông tất cả các môn học, thậm chí thắng lướt cả thầy dạy.
Thời niên thiếu niên, một hôm theo Phụ vương ra dự lễ canh điền, Ngài nhìn thấy con trâu cày mồ hôi nhễ nhại trên đồng lúa, con giun đất quằn quại dười lưỡi cày, con chim sà xuống gắp con giun bay đi ...tất cả đều trong vòng sinh tử ...Ngài tham thiền lần thứ nhất trong kiếp làm Thái Tử Tất Đạt Đa. Theo một số kinh điển thì ngay lần đầu tiên này, Thái Tử đã nhập Sơ thiền, tiền đề cho sự giác ngộ hoàn toàn sau này.
3. Thái tử Siddhattha lập gia đình
Lúc thái tử Siddhattha được 16 tuổi, vua Suddhodana bàn tính với triều thần tìm người vợ tương lai cho thái tử, mong rằng với sự ràng buộc gia đình thái tử sẽ bỏ ý định xuất gia và sẽ trở thành một đại đế mang lại sự vẻ vang cho cho dòng họ Sakya. Các vị đại thần giới thiệu nhiều cô gái nhan sắc và đức hạnh, nhưng vua Suddhodana bảo:
- Thái tử khó tính lắm ! Chúng ta phải hỏi trước xem thái tử thích có người vợ như thế nào.
Vâng lệnh vua, các vị đại thần liền đến gặp thái tử để hỏi ý kiến ngài về việc chọn lựa người vợ tương lai. Siddhattha đáp:
- Bảy ngày nữa tôi sẽ trả lời quý vị.
Rồi thái tử tự nghĩ:
- Ta đã biết rõ rằng vô số đau khổ đều do ham muốn, tham ái mà ra. Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, xích mích, hung dữ, phiền muộn, là ly thuốc độc, là ngọn lửa, là lưỡi gươm hại người. Ta không cảm thấy sung sướng gì khi ở bên cạnh một người nữ. Tại sao ta lại không chọn lối sống yên tĩnh trong rừng? Ở đó tâm ta sẽ được an nhàn, thảnh thơi trong cái vui thiền định.
Nhưng dưới áp lực gia đình và của mọi người xung quanh, cuối cùng thái tử nghiêng về truyền thống gia đình và gác lại lý tưởng xuất gia. Thái tử nhớ lại các vị Bồ-tát trước kia cũng đều lập gia đình cả. Hoa sen thanh tịnh không thể lấm bùn nhơ. Ðến kỳ hẹn, thái tử nói với các vị đại thần:
- Nếu phải lập gia đình thì tôi thích có người vợ đạo đức hơn là chỉ có sắc đẹp. Người đó phải diệu hiền, từ thiện, chân thật, không gian xảo và ganh tị, không thích se sua, rượu chè, cờ bạc và tiệc tùng. Người đó cũng phải là một cô dâu hiền, một bà chủ tốt với tôi tớ, không nề hà thức khuya dậy sớm. Người đó phải trẻ đẹp nhưng không tự cao.
Sau khi nghe các vị đại thần thuật lại lời thái tử, vua Suddhodana ra lệnh cho vị giáo sĩ Bà-la-môn trong triều:
- Này ông Bà-la-môn, ông hãy đi khắp thủ đô Kapilavastu, vào từng nhà tìm những cô gái có những đặc điểm mà thái tử đã mô tả, dù là con nhà quý tộc, hay Bà-la-môn, hay thương gia, hay nông dân cũng được. Vì thái tử chỉ chú trọng đến đức hạnh chứ không phân biệt giai cấp. Ông báo cho ta biết tất cả những cô gái đó.
Chẳng bao lâu, ông Bà-la-môn về báo cáo với vua về những cô gái ông đã chọn cho thái tử. Trong số đó ông chú ý đặc biệt đến công chúa Gopa-Yasodhara (Da-Du-Ðà-La), cùng tuổi với thái tử Siddhattha, con vua Suppabuddha (Thiện Giác Vương), là người có đầy đủ nhất những đặc điểm mà thái tử Siddhattha đã nêu ra. Nhà vua liền cho tổ chức một đại lễ phát quà cho những cô gái nói trên. Trong buổi lễ, từng cô gái trẻ đẹp bước đến nhận một món nữ trang quý giá do chính tay thái tử Siddhattha trao cho. Nhưng thái tử vẫn thản nhiên, không tỏ ra chú ý đến cô nào cả. Cuối cùng Yasodhara bước đến, đôi mắt tròn sáng, vui vẻ, diệu hiền nhìn thẳng vào mặt thái tử. Thái tử Siddhattha hơi lúng túng vì không còn món nữ trang nào để tặng cho cô. Yasodhara mĩm cười nói:
- Thưa thái tử, hình như tôi có lỗi gì nên ngài không muốn tặng quà cho tôi phải chăng?
- Thưa cô, không phải vậy, chỉ tại cô đến sau cùng đó thôi. Vậy cô hãy nhận món quà này.
Nói xong, thái tử cởi chiếc nhẫn trong tay mình ra, trao cho Yasodhara. Nhưng Yasodhara cười nói:
- Tôi không dám nhận chiếc nhẫn riêng của thái tử đang dùng đâu?
- Cô cứ nhận đi, đây là món quà mọn của tôi tặng cô mà !
- Tôi không dám ! Tôi đến đây không phải để lấy món trang sức của thái tử mà chính là để làm món trang sức cho thái tử.
Nói xong, Yasodhara rút lui. Siddhattha thừ người nhìn theo.
Các vị đại thần đều cho rằng thái tử Siddhattha đã chú ý đặc biệt đến Yasodhara. Vua Suddhodana liền cử sứ thần đến thủ đô Devadaha xứ Koliya xin cầu hôn công chúa Yasodhara cho thái tử Siddhattha. Nhưng vua Suppabuddha gạt ngang, cho rằng chưa ai thấy Siddhattha có tài cán gì về võ thuật. Vua Suddhodana rất phiền muộn vì bị mất thể diện.
Ðể an ủi cha, thái tử Siddhattha vén màn bí mật cho cha biết tuy chưa bao giờ biểu diễn võ thuật, chàng có thể tranh tài với bất cứ ai. Yên chí, vua Suddhodana đề nghị với vua Suppabuddha tổ chức một cuộc tranh tài về võ thuật mà người thắng cuộc sẽ thành hôn với Yasodhara.
Cuộc tranh tài gồm ba bộ môn: đấu kiếm, bắn cung và đấu vật. Có cả thảy 500 thanh niên tham dự.
- Về đấu kiếm, chỉ có Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) đỡ được 5 chiêu của thái tử Siddhattha, Nanda đở được 3 chiêu, còn mấy người khác chỉ đở được 1 - 2 chiêu là cùng.
- Về bắn cung thì có 3 tấm bia được dựng lên từ gần đến xa, mỗi người chỉ được bắn một mũi tên vào mỗi tấm bia. Nanda chỉ bắn được một mũi tên trúng vào tâm điểm bia gần nhất, còn hai mũi kia đều ra ngoài tâm điểm. Devadatta bắn được hai mũi tên trúng vào tâm điểm bia thứ nhất và bia thứ nhì, mọi người hoan hô nhiệt liệt, nhưng đến mũi thứ ba thì ra ngoài tâm điểm. Những người khác thì cả 3 mũi tên đều sai tâm điểm. Ðến phiên thái tử Siddhattha, ba lần dương cung, cung đều bị gãy. Thái tử hỏi cha có cây cung nào khác chắc chắn hơn không. Vua Suddhodana bèn sai quân cận vệ vào đền thờ hoàng thượng Sihahanu mang ra một cây cung thật to và nặng, không ai dùng nổi. Siddhattha dương cung một cách nhẹ nhàng, bắn cả 3 mũi tên đều trúng vào tâm của 3 tấm bia. Toàn thể khán giã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
- Ðến phần đấu vật, không ai địch nổi Siddhattha. Devadatta 3 lần bị hạ lưng chấm đất. Sau cùng thái tử chấp cả 36 thanh niên vào ôm mình một lược, chàng chuyển thần lực vung tay ra một cái, cả 36 người đều ngã lăn xuống đất. Devadatta tức giận vì ganh tị, bỏ về trước.
Vua Suddhodana rất vui mừng, phấn khởi, và cao hứng sai quân hầu là Channa (Xa-Nặc) dắt con ngựa chứng hung dữ Kanthaka (Kiền-Trắc) ra cho mọi người cỡi thử. Vài thanh niên cỡi thử đều bị ngựa hất văng xuống đất. Siddhattha ngồi vững trên lưng ngựa cho đến khi con ngựa chịu đứng yên. Thái tử cho ngựa chạy ba vòng sân, rồi trở lại chào vua Suddhodana và vua Suppabuddha.
Ðể tôn vinh thái tử, vua Suddhodana lại sai Channa về triều dắt con voi trắng tốt đẹp nhất của mình ra cho thái tử cỡi về cung. Channa vừa dắt voi ra tới cổng thành thì gặp Devadatta vừa về đến nơi. Devadatta hỏi:
- Ngươi dắt voi đi đâu?
- Thưa ngài, tôi dắt voi ra cho thái tử cỡi về.
Ðang cơn nóng giận, Devadatta, tay trái nắm lấy vòi voi, tay phải đấm mạnh vào đầu voi. Con voi to lớn ngã gục chết liền, nằm chật cả cổng thành khiến người qua lại không được. Nanda tới sau, nắm vòi kéo voi ra khỏi cửa thành. Thái tử Siddhattha đi trên chiến xa lộng lẫy cũng vừa về đến nơi, thấy vậy lên tiếng trách Devadatta và khen ngợi Nanda, rồi bước xuống dùng thần lực nhấc voi lên ném ra xa một câu-lô-xá (trên 500m), khi voi rơi xuống làm lún đất thành một cái hố lớn, đến nay còn lưu truyền là hố voi.
Lúc bấy giờ thái tử Siddhattha được 17 tuổi, lễ thành-hôn với công chúa Yasodhara được tổ chức vô cùng long trọng. Nhưng một thời-gian sau, nhận thấy Yasodhara không đủ sức quyến rũ làm cho Siddhattha bỏ ý định xuất gia, vua Suddhodana lại kén thêm cho thái-tử hai bà thứ phi nữa là Gopika (Cù-Di) và Migaranika (Lộc-Dã), ngoài ra còn các thế-nữ không kể. Nhà vua lại cho xây ba cung điện cho thái-tử ở tùy theo thời-tiết nóng, lạnh hay mưa.
Chân dung thật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
4. Về cuộc đời nhung lụa ấy đức Phật đã kể lại như sau:
"Ðời sống của ta (lúc bấy giờ) thật là tế-nhị, vô cùng tinh-vi. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh sen trắng đua nhau khoe vẻ đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kasi đưa về. Khăn và xiêm áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Kasi chở đến. Ngày cũng như đêm, mỗi khi ta bước chân ra khỏi cung điện là có tàng lộng che sương đỡ nắng.
Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho ta ba tòa cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện-nghi, giữa những cung tần phi nữ. Cho đến hàng nô-tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng chứ không phải như ở các nhà khác".
Vua Suddhodana làm đủ mọi cách để ngăn cản việc xuất gia của thái-tử. Vừa tổ chức các trò chơi, ca, vũ, nhạc, kịch trong cung nội, vừa tổ-chức các cuộc bố-thí, phóng sinh, khuyên dân tu thiện, vừa bố-trí không cho thái-tử ra khỏi thành nhìn thấy cảnh dân đói khổ, già, bệnh, chết. Thái-tử Siddhattha ở trong hoàng cung vui-thú với năm cảnh dục-lạc thế gian ròng-rã mười ba năm và sanh được hoàng tử La-hầu-la.
Chỉnh sửa lần cuối: