Đạo và Đời
Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
Tóm Tắt Tiểu Sử - Phần 2
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
1. Thái tử Siddhattha nhớ đại nguyện.
Lúc bấy giờ ở cõi trời Tịnh-Cư có một vị Tiên tên Suddhavasa (Tác-Bình) thấy Thái Tử vui thú với năm cảnh dục- lạc trong hoàng cung, ròng rã 13 năm, mặc dù tâm không đam mê nhưng thời gian thấm thoát qua mau không đợi người, vì thế ông đứng trên hư-không lúc canh khuya lớn tiếng nói rằng: "Hỡi ngài Hộ-Minh Bồ-tát (là kiếp trước của Đức Phật Thích Ca), xin ngài hãy sớm nhàm chán cảnh đời phàm-tục mà xuất gia tu đạo. Xin ngài chớ yên vui với dục lạc mà quên đại nguyện cứu độ chúng sinh đau khổ khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết".
Cũng đêm đó vị Tiên Suddhavasa dùng thần lực làm cho vua Suddhodana chiêm bao thấy bảy cảnh tượng như sau:
- Thấy lá phướn của vua Ðế-Thích từ cửa thành phương đông bay ra.
- Thấy Thái-tử cỡi con đại bạch tượng đi ra cổng thành phía nam.
- Thấy Thái-tử ngồi trên xe tứ mã từ cổng thành phía tây đi ra.
- Thấy một cái xe lớn chở rất nhiều châu bảo trang-nghiêm đi ra cửa bắc.
- Thấy Thái-tử đứng ở một con đường lớn giữa thành, tay cầm dùi đánh vào một cái trống lớn.
- Thấy Thái-tử ngồi trên lầu cao quăng châu báu xuống và có rất nhiều người lại lấy đem đi.
- Thấy bên ngoài thành có sáu người cất tiếng khóc lớn, rồi vật mình lăn ra đất trông rất thê thảm.
Nhà vua tỉnh giấc, tâm ý bồi hồi lo sợ, sai triệu người đoán mộng vào xem thử lành dữ thế nào. Mộng sư vào hầu vua, nghe vua kể xong, suy nghĩ hồi lâu rồi tâu rằng:
- Tâu Bệ-hạ! Khó lắm, hạ thần không hiểu thấu, xin Bệ-hạ tha thứ !
Nhà vua đang buồn lo thì có quan giữ cửa vào thưa:
- Tâu Bệ-hạ! Ngoài cổng thành có người xin vào đoán mộng hầu Bệ-hạ.
- Ðược, cho họ vào đây.
Tiên ông Suddhavasa giả làm người đoán mộng, vào đến nơi, nghe vua kể xong liền thưa rằng:
- Tâu Bệ-hạ! Ðiềm thứ nhất là thái-tử sẽ xuất gia; điềm thứ hai là điềm thái-tử sẽ đắc quả; điềm thứ ba là điềm thái-tử được pháp tứ vô úy; thứ tư là điềm thái-tử thành Phật; thứ năm là điềm thái-tử chuyển pháp luân; thứ sáu là điềm thái-tử đắc ba mươi bảy phẩm pháp bảo; thứ bảy là điềm nhóm lục sư ngoại đạo lo buồn kêu khóc. Xin Bệ-hạ cứ hoan-hỉ, không nên lo buồn làm gì, vì đó toàn là những điềm lành.
Nói xong, tiên ông Suddhavasa bái tạ lui ra. Vua Suddhodana nghe xong, trong lòng tuy bớt lo buồn, nhưng lại nghĩ cách bày thêm nhiều thú vui tiêu-khiển trong hoàng cung để thái-tử quên chí xuất gia.
2. Thái tử Siddhattha dạo chơi bốn cửa thành
Tiên ông Suddhavasa muốn cho thái-tử đi chơi ra ngoài thành để biết những việc xấu tốt của đời, mục-đích khuyến-khích thái-tử chán bỏ năm món dục-lạc chốn hoàng cung. Ông giả một tên quân hầu nói chuyện với thái-tử, khen chốn sơn lâm là nơi lạc thú nhất của con người. Thái-tử nghe rồi đến xin phép vua cha được ra ngoài các cửa thành dạo chơi. Vua ra lệnh sửa sang đường xá, treo cờ dựng phướn trang nghiêm trên các nẻo đường thái-tử sắp đi qua.
Hôm đó thái-tử ngồi trên xe vàng sáng chói cùng với Channa (Xa-Nặc) và đoàn quân hầu hộ-tống ra cửa thành phía đông. Dân chúng được tập họp hai bên đường để rải hoa và hoan-hô thái-tử. Tiên ông Suddhavasa biến hình làm một ông lão nghèo-nàn, lưng còng, răng rụng hết, đi thất-thểu, mặt cúi xuống đất, hơi thở phì-phào, đầu bạc như tuyết, tay chống gậy, run rẩy, khập-khểnh đi qua trước xe thái-tử. Thái-tử nhìn thấy, ngậm-ngùi hỏi Channa:
- Người này làm sao thế?
- Thưa thái-tử, người này là người già.
- Già là gì?
- Thưa thái-tử, người ta sinh ra lúc còn ít tuổi gọi là trẻ. Từ sáu mươi tuổi trở lên cơ-thể suy-tàn, tóc bạc da mồi, lưng còng sườn vạy, tinh-thần mờ tối, thở ra không hẹn hít vào, chỉ còn chờ chết, gọi là già.
- Thân ta rồi đây cũng bị như thế ư?
- Vâng! Thưa thái-tử, sang hèn tuy khác nhau, có trẻ tất có già, nhất định không ai thoát khỏi cảnh già nua như ông lão này. Thái-tử sau này cũng thế.
Thái-tử cảm thấy buồn cho thân-phận con người, liền bảo đoàn tùy-tùng quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách thoát tướng già khổ cho tương lai mình và tất cả chúng sinh.
Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía nam. Suddhavasa biến thành một người bệnh, thân hình tiều-tụy, run rẩy, nằm trên phẩn và nước tiểu của mình bên lề đường, rên rĩ thảm-thiết, hầu như sắp chết. Thái-tử nhìn thấy, hỏi Channa:
- Người này sao lại như vậy?
- Thưa thái-tử, người này đang cơn bệnh nặng sắp chết.
- Thế nào gọi là bệnh?
- Khi thân-thể không được yên-ổn, hoặc bị nóng, hoặc bị lạnh, hoặc bị đau nhức, thương tổn trong ngũ tạng, khí lực bạc nhược, tinh thần yếu đuối, mạng sống bấp-bênh, gọi là bệnh.
- Chỉ riêng một người này hay ai rồi cũng thế?
- Thưa thái-tử, không riêng gì người này đâu, tất cả trời, người, cho đến muôn vật, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.
- Như vậy chính thân ta đây rồi cũng thế ư !
Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi cảnh già, bệnh cho mình và tất cả chúng sinh.
Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía tây. Suddhavasa biến thành một xác chết nằm bên vệ đường, bắt đầu sình-ươn, hôi thúi, ruồi nhặng bu quanh, trông rất ghê tởm. Thái-tử kinh-ngạc hỏi Channa:
- Này Channa, người này sao lại như vậy?
- Thưa thái-tử, đây là cái xác chết đang chờ thân nhân hỏa táng!
- Sao lại gọi là xác chết?
- Thưa thái-tử, con người hoặc bị bệnh nặng, hoặc bị thương-tích các nơi hiểm-yếu, hồn lìa khỏi xác, cơ-thể không còn một chút sinh-lực, chẳng khác gì gỗ đá, bỏ lại cha, mẹ, vợ, con, họ-hàng, sau khi hỏa táng thân-thể sẽ chỉ còn lại một đống tro tàn.
- Chính thân ta rồi đây cũng lại như thế sao?
- Thưa thái-tử, tất cả các sinh vật cho đến các bậc vua chúa đều không tránh khỏi cái chết.
Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy ngày liền, thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi các tướng khổ già, bệnh, chết cho mình và tất cả chúng sinh.
Ít lâu sau thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía bắc. Suddhavasa lần này hóa thân làm một vị sa-môn mặc áo cà-sa, tóc râu nhẵn-nhụi, trang-nghiêm trầm-tĩnh, vẻ mặt thanh-thoát, chân bước khoan-thai, tay cầm bát đi khất thực bên vệ đường. Thái-tử ngắm nhìn một hồi, chợt nhớ lại kiếp xưa, liền xuống xe, đến trước vị sa-môn đảnh-lễ rồi hỏi:
- Thưa ngài sa-môn, xuất gia như ngài thì được lợi ích gì?
- Thưa thái-tử, tôi nhận thấy con người tại gia luôn-luôn bị đau-khổ về sinh, già, bệnh, chết, tất cả các pháp ở thế-gian đều vô thường, bại-hoại, không an, nên tôi lìa gia-đình, thân-tộc, đến ở chỗ an-nhàn, thanh-vắng, để cầu thoát ách khổ-não ấy. Tôi tu-tập đạo vô-lậu giải-thoát, điều phục năm giác quan, không cho sa-ngã vào năm cảnh dục-lạc của thế-gian, phát tâm từ-bi để ban những pháp vô-úy cho đời, và giữ tâm bình-đẳng hộ-niệm chúng sinh không bị ô-nhiễm bởi các pháp thế-gian, được đạo giải-thoát. Ðó là mục-đích xuất-gia của tôi.
Thái-tử nghe xong trong lòng hoan-hỷ, tự nghĩ rằng: "Trong toàn cõi nhân thiên, có lẽ chỉ có lối tu xuất-gia này là hơn hết". Thái-tử liền giục tả hữu quày xe trở về thành. Chiều hôm đó thái-tử ngồi trầm-ngâm suy-nghĩ: "Chính thân ta phải chịu sanh, gìà, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm. Tại sao mọi người vẫn mải-mê chạy theo những cái mà bản chất đều vô-thường như vậy. Vì phải chịu sanh, già, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm, ta đã nhận thức được sự tai-hại của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa ai thành đạt, cái chân-lý tuyệt-đối, cái hạnh-phúc tối thượng của cảnh niết-bàn ". Rồi thái-tử lại nghĩ: "Ðời sống tại gia thật tù-túng chật-hẹp, là chỗ ẩn-náu của bụi trần ô-trược, phiền-não và ràng-buộc. Chỉ có xuất gia mới có thể có được một đời sống an-tịnh, thong-dong, tự-tại ".
Vài hôm sau thái-tử vào gặp vua cha xin phép đi xuất gia:
- Kính lạy Phụ-vương, lòng con đêm ngày muốn xuất gia tầm đạo giải-thoát, kính xin Phụ-vương hoan-hỷ cho con được toại nguyện.
- Thái-tử con! Cha rất thương yêu con nên cha không đành lòng nào thấy con trở thành kẻ ăn xin không nhà không cửa, bữa đói bữa no, rày đây mai đó. Hơn nữa cha mong con sau nầy sẽ nối ngôi vua cai trị thiên hạ. Con đừng đi đâu hết, cứ ở lại đây với cha, rồi con muốn gì cha cũng chiều ý con.
- Như Phụ-vương muốn cho con ở lại thì xin Phụ-vương ban cho con bốn điều này: Một là làm sao cho con trẻ mãi không già; hai là làm sao cho con mạnh khoẻ hoài không bệnh; ba là làm sao cho con sống hoài không chết; bốn là làm sao cho con học được đạo giải-thoát để cứu chúng sanh khỏi những thống-khổ ở đời.
- Này con yêu quí, cứ theo bốn điều con xin đó thì chính cha đây cũng không có, làm sao cha ban cho con được!
Sau khi thái-tử lạy tạ lui ra, vua Suddhodana buồn rầu họp tất cả những người thân-tín trong hoàng cung lại, nói rằng:
- Thái-tử vừa lại đây xin phép đi xuất gia. Nếu ta đồng ý cho đi thì sau này không có người tài trí kế vị, vậy ai có ý-kiến gì hay để giữ thái-tử ở lại hoàng cung chăng?
- Tâu Ðại-vương, quan Tổng-binh nói, hạ-thần sẽ đặt 500 binh-sĩ hùng-tráng khỏe mạnh thay phiên nhau ngày đêm canh gác tại mỗi cửa thành, và thêm 500 binh-sĩ tinh-nhuệ tuần-hành ngày đêm trên mặt thành, thì chắc-chắn không thế nào thái-tử lén ra khỏi thành được.
- Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-hậu Pajapati nói, thần thiếp sẽ tăng-cường thêm các thế-nữ xinh đẹp nhất trong hoàng cung để ngày đêm hầu-hạ thái-tử, vừa giúp vui bằng các trò chơi, tiếng đàn, giọng hát, vừa trông chừng thái-tử.
- Các khanh ráng cẩn-thận, vua nói, ta sẽ trọng thưởng.
Một hôm, thái tử Siddhattha đang đi dạo chơi trong một công viên ở ngoài thành, gặp lúc trời nắng tốt, thái tử xuống hồ nước trong xanh giữa những hàng cây cao vút để tắm cho mát. Trong lúc đang kỳ cọ, bỗng nghe tiếng vua trời Ðao-Lợi là Sakka Indra văng vẳng bên tai:
- Hỡi ngài Hộ-Minh Bồ-tát (là kiếp trước của Đức Phật Thích Ca), thời kỳ xuất gia đã đến, ngài chớ nên chần chờ nữa, chúng sanh đau khổ triền miên đang cần ngài cứu độ.
Nghe xong, thái tử Siddhattha thấy lòng hăng hái phấn khởi.
3. Xuất gia học đạo (năm 595 trước Tây lịch)
Năm 595 trước tây lịch, thái-tử Siddhattha được 29 tuổi. Công chúa Yasodhara vừa hạ sanh hoàng nam duy nhất là Rahula được bảy ngày. Sau bữa tiệc linh-đình mừng cháu nội đích tôn của vua chào đời, đêm đã quá khuya, mọi người đều mỏi-mệt.
Vua trời Ðế-Thích là Sakka Indra dùng thần lực làm cho tất cả quan quân và thế-nữ ngủ say mê, nằm ngổn-ngang khắp mọi nơi. Riêng thái-tử cảm thấy băn-khoăn không ngủ được, tự nghĩ nên nhân cơ-hội có một không hai nầy để ra đi.
Ngài im lặng đứng nhìn công-chúa Yasodhara và Rahula lần cuối cùng để từ-giã. Hai mẹ con nằm bên nhau tạo nên một hình-ảnh ấm-cúng chan-hòa tình thương thiêng-liêng, cao-cả, ngây-thơ, nồng-nàn, êm-dịu làm thái-tử xúc-động, chùn chân. Thái-tử chợt nhớ đến sông mê, bể khổ vô bờ-bến của chúng sinh phải chịu trong vô lượng kiếp, ngài liền bước vội ra ngoài gọi Channa:
- Channa, ngươi mau dắt ngựa Kanthaka đến đây cho ta.
- Thưa thái-tử, bây giờ đã quá nửa đêm, ngài dùng ngựa để làm gì?
- Thời đã tới, ta đi xuất gia tầm đạo, ngươi chớ cản ta, không được trái ý ta.
Channa run sợ, lén dắt ngựa tới. Thái-tử vừa lên mình ngựa thì trời đất rung chuyển sáu lần. Channa chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa thì bốn ông Thiên-vương đã bay xuống cầm bốn chân ngựa bay vút qua thành, tới chỗ đạo-sĩ Bhargava (Bạt-Già hay Bạt-ca-bà) tu khổ hạnh thì đáp xuống.
Ðêm đó rạng ngày mồng 8 tháng 2 năm Bính Dần (-595), thái-tử Siddhattha và Channa thấy mình đang ở bên kia bờ sông Anoma, cách thành Kapilavastu 36 dậm (58 km) về hướng tây nam, gần làng Anupiya, thuộc xứ Malla. Thái-tử rút gươm cắt tóc vừa phát nguyện: " Tôi cắt bỏ mớ tóc này để phát nguyện đoạn hết phiền-não và tập-chướng ". Vua Trời Ðế-Thích (Ðao Lợi) là Sakka Indra liền đưa vạt áo hứng tóc của ngài rồi bay về thiên cung xây tháp cúng dường. Thái-tử lại thầm nghĩ: "Còn tấm áo bào này ta cũng phải thay đổi mới thành tướng xuất gia". Sakka Indra biết ý liền hóa làm người đi săn, tay cầm cung tên, mình mặc áo cà-sa vàng đi tới. Thái-tử nhìn thấy hỏi rằng:
- Tại sao ông mặc áo của người tu-hành mà đi làm việc giết hại như vậy?
- Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho mấy con hươu nhìn thấy không bỏ chạy. Nhờ vậy tôi mới săn được nhiều.
- Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại thật không nên. Còn tôi muốn xuất gia cầu giải-thoát mà chưa có áo tu-sĩ. Vậy ông nên đổi áo với tôi đi.
Sakka Indra thành kính cởi áo cà-sa dâng thái-tử. Thái-tử cũng cởi áo bào đổi cho. Thái-tử hoan-hỷ mặc áo cà-sa xong, uy dung tự nhiên cải biến, thầm nghĩ: "Từ đây ta thật có hình tướng xuất gia ".