PHÁP LÀ GÌ ?

Đạo và Đời

Quản Trị Diễn Đàn 0989.913.611
PHÁP LÀ GÌ ?

Pháp là tịch diệt. Nếu biểu hiện qua hành vi sanh diệt thì đó là cầu sanh diệt, chớ không phải là cầu pháp.

Pháp là vô nhiễm. Nếu nhiễm ở pháp cho đến nhiễm Niết Bàn thế là cầu nhiễm chớ không phải là cầu pháp.

Pháp không năng hành, sở hành. Nếu dụng ý hành ở nơi pháp, đó là cầu năng hành, sở hành chớ không phải cầu pháp.

Pháp không có thủ xả. Đối với pháp mà có ý thủ xả, đó là cầu thủ xả chớ không phải là cầu pháp.

Pháp không có xứ sở. Nếu chấp nê xứ sở, đó là cầu xứ sở chớ không phải cầu pháp.

Pháp là vô tướng. Nếu dựa trên tướng để nhận biết, đó là cầu tướng chớ không phải là cầu pháp.

Pháp không được trụ. Nếu trụ ở nơi pháp, đó là cầu trụ chớ không phải là cầu pháp.

Pháp không phải là thấy, nghe, hiểu, biết. Nếu biểu hiện qua thấy, nghe, hiểu biết đó là cầu thấy, nghe, hiểu biết chớ không phải cầu pháp.

Pháp là vô tướng vì nếu còn chấp có tướng giàu nghèo, cao thấp, đẹp xấu là tâm còn phân biệt, chấp trước, không bình đẳng.

Pháp không được trụ ở bất cứ pháp môn nào mà phải tùy thuận theo chúng sinh mà hoan hỷ hướng dẫn họ tu hành. Căn cơ chúng sinh sai khác nên nếu ai thích niệm Phật thì cùng họ niệm Phật, ai muốn tham thiền thì cùng họ tham thiền nhập định, ai muốn trì chú thì cùng họ tu trì thần chú mật ngữ.

Pháp nầy dung thông pháp kia và pháp kia dung thông pháp nầy tức là trong pháp nầy hàm chứa chủng tử của tất cả pháp kia và trong pháp kia có chứa chất liệu chủng tử của chất nầy. Vì thế chủng tử của vạn pháp trùng trùng duyên khởi cho nhau, tương tức tương nhập một cách tự tại

Trong mỗi pháp có nhiều pháp khác và trong nhiều pháp khác lại có nhiều pháp khác nữa. Cứ thế nhân mãi lên cho đến vô cùng vô tận. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:”Tất cả thế giới đều như thế giới màn lưới Nhơn-đà-la.

Pháp môn nào cũng tốt cả như trăm sông cùng đổ về biển lớn là giải thoát giác ngộ.


Vì vậy cho nên: Nếu là người cầu pháp, đối với tất cả “không nên khởi ý niệm Cầu
 
Pháp thì có pháp tánh và pháp tướng.

Nếu con người chưa ngộ được thật tướng của vạn vật trong vủ trụ thì chỉ nói được pháp tướng.

Còn thấu nhập được thật tướng thì mới nói được pháp tánh. Mà thật tướng chính là vô tướng.
 
Các pháp không sanh không diệt, đó là nghĩa vô thường.

Ngũ uẩn rỗng không, không có điểm sanh khởi, đó là nghĩa khổ.

Các pháp rốt ráo không, không có nguồn gốc, đó là nghĩa không.

Ngã và vô ngã không hai, đó mới là nghĩa vô ngã.

Các pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là nghĩa tịch diệt.​
 
Trong Phật giáo thì pháp có pháp liễu nghĩa và bất liễu nghĩa.

Có pháp Đại thừa và Tiểu thừa

Có pháp cứu cánh và pháp phương tiện.

Do đó khi hoằng pháp cần phải quán căn cơ và biết nhìn đối tượng.
 
Các pháp có sinh có diệt tức là vô thường. Là nhìn theo pháp Tướng tức là pháp sinh diệt tương đối của thế gian

Các pháp không sinh không diệt mới là thực vô thường. Là nhìn theo pháp Tánh bất sinh bất diệt là Chân Lý Tuyệt đối, vì trong Chân Không thì làm gì có sinh có diệt, có tăng có giảm.

Nhưng nếu nói không sanh không diệt thì tại sao nói vô thường như các pháp sinh diệt? Đứng về pháp Tánh thì không sanh không diệt nhưng nhờ có duyên hợp mới thành Tướng. Mà đã là duyên hợp thì có sanh có diệt tức là vô thường. Đây chính là bất biến mà tùy duyên
 
Tuy vạn pháp có tướng sinh diệt tức là vô thường, nhưng Bản Thể Chân Như là Thật Tướng thì không có hình tướng nên không bị chi phối bởi tánh vô thường, là Chân Thường.

- Thân là vô thường
thì phải quay về sống với Pháp Tánh bất sinh bất diệt để tới chỗ Chân Thường.

- Vạn Pháp trong thế gian vũ trụ là Vô Ngã thì hãy suy tư quán chiếu, tĩnh lự và quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì sẽ thấy Chân Ngã.

- Nếu để tâm chạy theo vọng trần
thì sẽ cảm thọ cái vui hay cái buồn, nhưng nếu thấy rằng ngũ uẩn là không thì sẽ chặn được gió lục trần. Không có gió lục trần thì làm gì còn cảm thọ cho nên buồn vui cũng vì thế mà tan biến.

- Nếu thấy thế gian sinh diệt thì tâm mới có khổ, quay về với pháp tánh thì sẽ không còn sinh diệt. Không sinh diệt thì khổ không còn tức là Tịch Diệt.


Ngay trong vô thường mà thấy được Chơn Thường.

Ngay trong vô ngã mà thấy được Chơn Ngã.

Trong cái khổ mà thấy Chân Lạc

Trong thế giới uế độ nầy mà vẫn thấy được Niết bàn thanh tịnh tức là Chân Tịnh vậy.

Vì thế với tuệ nhãn của Bồ-tát thì vạn pháp là Chân Thường, Chân Ngã, Chân Lạc và Chân Tịnh hay là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
 
Back
Top Dưới